Content marketing sẽ hoạt động quả tốt nhất và hiệu quả nhất khi bạn có một chiến lược và kế hoạch nội dung được xác định rõ ràng. Vậy làm thế nào để tạo một Content Marketing Plan (kế hoạch tiếp thị nội dung) mang lại hiệu quả cao nhất? Dưới đây là 10 bước lập kế hoạch nội dung bạn cần phải biết nếu muốn có một bản Content Marketing Plan “ngầu lòi”.
Tại sao cần lập Content Marketing Plan?
Bất kỳ một chiến dịch marketing nào cũng cần sự phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó content (nội dung) là phần không thể thiếu. Tuy nhiên, content marketing sẽ chỉ mang lại hiệu ứng, độ lan tỏa và thành công khi bạn xác định được rõ ràng mục tiêu, cách thức phát triển, kênh phân phối, phương thức lan tỏa, thời điểm phát hành,....
Việc có một kế hoạch nội dung rõ ràng cũng giúp bạn có thể bán sát được tiến độ, quản lý được chất lượng, hiệu quả dễ dàng hơn.
Lên kế hoạch cũng giúp cho việc sáng tạo nội dung bám sát định hướng, mục tiêu chiến dịch, tạo nên sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, hấp dẫn và thúc đẩy lưu lượng truy cập đến trang đích, tăng độ nhận diện thương hiệu, thúc đẩy doanh số bán hàng tốt hơn so với việc chỉ đưa ra những nội dung đơn độc.
Không có kế hoạch phát triển nội dung rõ ràng cũng đồng nghĩa với việc bạn lãng phí thời gian và tiền bạc của mình, bỏ lỡ cơ hội để gia tăng giá trị thương hiệu, cơ hội để khách hàng biết đến chiến lược marketing, tên tuổi và thương hiệu của bạn.
Bởi vậy, trước khi thực hiện bất kỳ một chiến dịch marketing nào, hãy nghiên cứu và lập kế hoạch phát triển, phân phối nội dung tương ứng để đạt hiệu quả cao nhất.
Hướng dẫn lập Content Marketing Plan
Bạn chưa có kinh nghiệm lên kế hoạch phát triển nội dung? 10 bước hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn có thể lập một bản Content marketing plan dễ dàng và hiệu quả nhất.
1. Thiết lập hoặc xác định mục tiêu
Bạn cần hiểu lý do tại sao bạn đang tạo nội dung này, mục tiêu của bạn là gì? Bạn muốn tăng khách hàng tiềm năng, bạn muốn tăng tương tác cho page, tăng lượng truy cập vào trang web? Hay bạn muốn gia tăng độ nhận diện thương hiệu, lan tỏa thương hiệu?
Khi bạn đã xác định được các mục tiêu của mình, bạn cần đặt ra một số mục tiêu định lượng cho nội dung đó để đo lường được hiệu quả và mức độ thành công của chiến dịch nội dung.
Ví dụ: Nếu bạn muốn thực hiện một nội dung lan tỏa thương hiệu với sự tham gia của một số Kols nổi tiếng. Vậy bạn cần đặt ra mục tiêu, sau khi đăng tải bao lâu, sẽ đạt được bao nhiêu tương tác, bình luận, tỷ lệ người truy cập vào trang đích, đặt hàng so với trước khi chạy chiến dịch sẽ phải đạt được là bao nhiêu?
2. Xác định đối tượng mà nội dung hướng đến
Hiểu đối tượng mục tiêu của mình là ai là yếu tố quan trọng để tạo nên nội dung thành công. Bạn phải biết mình viết cho ai, viết để làm gì, sau đó mới xác định mình viết cái gì và viết như thế nào.
Giả sử bạn muốn thu hút một nhóm đối tượng cụ thể, bạn cần hiểu được điều họ thích, họ quan tâm và điều họ không thích là gì, thói quen tiếp cận nội dung của họ như thế nào. Bạn cũng cần biết loại nội dung nào sẽ kích thích, thu hút họ.
Tiếp đến, bạn cần phải xác định tính cách cho tệp khách hàng điển hình với các yếu tố nhân khẩu học điển hình: Độ tuổi, giới tính, vị trí, thu nhập. Và sẽ hữu ích hơn nữa nếu như bạn mở rộng xem xét cả những thú vui tiêu khiển của đối tượng mục tiêu, mối quan của họ là gì, điều gì thúc đẩy họ.
3. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh là bước cần thiết và cũng là cách hiệu quả để xây dựng mục tiêu, kế hoạch content marketing. Bạn cần phải biết mình đang và sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh nào? Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh sẽ cho bạn biết:
- Đối thủ của bạn đang có những loại nội dung nào?
- Tần suất sản xuất nội dung của họ ra sao?
- Bạn cần số lượng bao nhiêu để vượt qua họ?
- Bạn phải làm gì để khác biệt với họ, thu hút hơn họ?
Cũng có thể nội dung từ đối thủ, các nguồn tin tức, báo chí, trang web khác có cùng chủ đề với nội dung mà bạn đang thực hiện. Tìm hiểu đối thủ cạnh tranh không phải để bắt chước hay tạo ra những nội dung giống họ mà để tìm ra lối đi mới, sự khác biệt cho chính nội dung của bạn.
Ngoài ra, hãy tìm hiểu cả những từ khóa mà họ đang nhắm tới, đó cũng có thể nằm trong kế hoạch marketing của bạn. Hãy làm sao cho cùng một từ khóa mà nội dung của bạn vượt trội hơn, hấp dẫn hơn.
4. Nghiên cứu chủ đề và từ khóa
Một số công cụ sẽ gợi ý cho bạn những từ khóa nào được tìm kiếm nhiều nhất, tỷ lệ tìm kiếm gia tăng ra sao như: Google Keyword planner, Google trend, Google Success, Google search box,....
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số công cụ hỗ trợ nghiên cứu từ khóa khác như: Keyword Tool.io, LSI Graph, Ahrefs.com, SEMRush, Spineditor,....
Nghiên cứu từ khóa, lập bảng từ khóa, điều tra lượng tìm kiếm từ khóa liên quan không những giúp bạn có chiến lược nội dung tập trung hơn, đánh giá được đâu là từ khóa tiềm năng có thể thu hút được lượng traffic và khách hàng cho web mà còn giúp bạn có thêm những ý tưởng mới về nội dung (đây cũng là một trong 10 nguồn tìm ý tưởng content giúp bạn không bao giờ lo “cạn” idea).
5. Xem xét và đánh giá lại nội dung hiện có
Đừng đánh giá thấp hay bỏ qua những nguồn tài nguyên sẵn có, xem xét lại những nội dung đã sản xuất có thể giúp bạn có được những thông tin chi tiết, có giá trị sử dụng cho chiến lược nội dung mới. Dẫu sao, nội dung cũ hay sắp phát triển cũng sẽ phải dựa trên những giá trị cốt lõi của công ty, sản phẩm.
Mặt khác, việc phân tích lại những content hiện có, luồng hành vi khách hàng, mức độ phản hồi, tương tác của độc giả, sẽ cho bạn biết khách hàng của mình đang quan tâm đến loại nội dung nào nhiều nhất, những trang nào trên website đang nhận được nhiều lưu lượng truy cập nhất, từ đó để có hướng triển khai sao cho hiệu quả.
Các chỉ số hiệu suất của nội dung hiện có sẽ giúp bạn đánh giá và xây dựng bức tranh về loại nội dung mà đối tượng mục tiêu của bạn quan tâm nhất.
6. Lên chiến lược phát triển nội dung chi tiết
Bắt đầu vào việc lập kế hoạch nội dung, hãy cân nhắc những yếu tố sau đây:
- Bạn sẽ sản xuất nội dung trên nền tảng nào: Website, facebook, instagram, youtube, tiktok, zalo, báo chí,....
- Những phương pháp bạn sẽ sử dụng để quảng bá nội dung là gì: Chạy quảng cáo, viral content, sử dụng kols để phát tán, gửi email marketing đến khách hàng cũ, đặt banner, standee...
- Loại nội dung mà bạn sẽ sử dụng: Hình ảnh, video, bài viết (dạng Story-selling, bài quảng cáo, bài viral, bài chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, bài seo….),...
- Xác định đầu mục công việc (với chiến dịch dài hơi) hoặc chủ đề chính cho từng loại content (theo tuần, tháng): Ví dụ Bài seo + từ khóa, nội dung chạy quảng cáo facebook, bài đăng báo sự kiện,....
Tùy theo từng kênh, từng phương pháp quảng bá mà sáng tạo nội dung sao cho phù hợp và hấp dẫn nhất cho từng đối tượng mục tiêu của mình. Ngày nay, với sự phát triển của đa phương tiện, việc sử dụng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau để phân phối, lan truyền nội dung vẫn là cách tiếp cận khách hàng tốt nhất.
7. Tính toán, lập kế hoạch cho các nguồn lực
Bạn có thể có rất nhiều ý tưởng nội dung, tuy nhiên nó cũng cần phải phù hợp với thực tế. Và thực tế ở đây là ngân sách, nguồn lực mà bạn hiện có. Bạn sẽ cần phải quyết định xem bạn sẽ sản xuất nội dung với team inhouse hay phải thuê outsource. Nguồn ngân sách cho việc sản xuất các nội dung là bao nhiêu?
Ai sẽ là người quản lý hay chịu trách nhiệm cho việc sản xuất nội dung? Ai là người tiếp nhận và xử lý các phản hồi về nội dung sau khi được quảng bá. Cần phân công công việc rõ ràng để đảm bảo các nội dung có thể triển khai đúng tiến độ.
Phát triển nội dung sẽ cần nhiều thời gian, vì vậy bạn cần phải tính toán được lượng thời gian thích hợp đầu mục công việc và gia hạn deadline cho mỗi công việc, mỗi giai đoạn cụ thể.
8. Lên lịch trình sản xuất và xuất bản nội dung
Bây giờ bạn cần tập hợp tất cả các ý tưởng của mình lại trong một lịch trình xuất bản nội dung. Lịch trình phải có: Lịch ngày xuất bản và nhân sự chịu trách nhiệm. Lịch xuất bản sẽ giúp bạn xuất bản nội dung thường xuyên, đây là điều bắt buộc trong các chiến dịch content marketing.
9. Viết, xuất bản và lan truyền nội dung
Mỗi nội dung được sáng tạo và xuất bản phải đúng với tiêu chí, mục tiêu đã xác định. Bài viết cần bám sát big idea (ý tưởng truyền thông xuyên suốt của chiến dịch) và nên tận dụng triệt để những từ khóa mà bạn đã nghiên cứu.
Điều quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng nội dung. Khi nội dung được xuất bản, bạn cũng cần quảng bá nó, chia sẻ bài đăng trên các nền tảng, gửi nó cho bất kỳ khách hàng nào mà bạn nghĩ họ sẽ quan tâm, kêu gọi người đọc lan tỏa nội dung.
10. Theo dõi và tinh chỉnh
Bước cuối cùng trong chiến lược content marketing của bạn là theo dõi sự thành công của chiến dịch và dựa trên những gì đã thành công hoặc chưa đạt được hiệu quả, hãy tinh chỉnh sao cho phù hợp. Khi đó chiến lược content marketing chắc chắn sẽ phát triển và mang lại hiệu quả. Hãy linh hoạt trong cách tiếp cận với việc tạo nội dung ở các thời điểm khác nhau để cập nhât và tinh chỉnh nội dung.
Bằng10 bước lập kế hoạch ở trên, việc phát triển chiến lược content marketing là một chu trình chứ không phải là nhiệm vụ thực hiện một lần. Lập content marketing plan chỉ là bước đầu trong việc vận hành chiến lược nội dung. Kể cả khi chiến dịch đã chạy, các nội dung đã được hoàn thành và phát hành, bạn vẫn phải tiếp tục theo dõi phản ứng của đối tượng mục tiêu, tinh chỉnh kế hoạch thường xuyên sao cho phù hợp với thời điểm mới. Tất nhiên, việc lập kế hoạch luôn luôn cần thiết để bắt đầu một chiến dịch content marketing thành công.
Tham khảo mẫu: Content Marketing Plan - Ra mắt mỹ phẩm
Nhật Chi - Viết để dẫn lối
0 Nhận xét